Tăng trưởng kinh tế là gì? Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 ở Việt Nam sẽ là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 ở Việt Nam sẽ là bao nhiêu?
Quốc hội ban hành Nghị quyết 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trong đó, Nghị quyết đã đặt ra các chỉ tiêu cần đạt được trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 như sau:
- Tốc độ tăng trưởng GDP từ 6,0 - 6,5%;
- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 đô la Mỹ (USD).
- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%.
- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5%.
- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%.
- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%.
- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%.
- Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ.
- Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh.
- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số.
- Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%.
- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.
- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.
Được biết, Nghị quyết 103/2023/QH15 thể hiện mục tiêu tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển các loại thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững; nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chăm lo các đối tượng chính sách;...
Xem thêm tại Nghị quyết 103/2023/QH15 ban hành 09/11/2023.
Sáng 4.12, HĐND tỉnh Hà Nam đã khai mạc Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Khóa XIX. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của UBND tỉnh Hà Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá cao, dự kiến đạt 10,93%, đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Hồng, và đứng thứ 5 cả nước.
Thu ngân sách đạt 17.000 tỷ đồng
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy biểu dương những thành quả kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2024. Cụ thể: 16/16 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 10,93%, đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Hồng, và thứ 4 cả nước; thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 17 nghìn tỷ đồng, tăng trên 20% so với năm 2023; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 111 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,65%. Đặc biệt, Hà Nam tiếp tục được tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á” năm 2024; “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu Châu Á” và “Giải thưởng thành tựu đặc biệt 2024”.
Bên cạnh những thành tựu đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chỉ rõ một số hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như: việc điều chỉnh quy hoạch vùng huyện và một số quy hoạch còn chậm; hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất - kinh doanh vẫn tăng so với cùng kỳ; tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; việc khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường, chất lượng nước sạch còn hạn chế; việc giải quyết đơn thư khiếu kiện một số vụ việc còn chậm, chưa dứt điểm, nhất là trong giải quyết đất dịch vụ 5%, 7%.
Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế; đóng góp các giải pháp thiết thực và xem xét quyết định những chủ trương đúng, sát với thực tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của người dân.
Phấn đấu hoàn thành khoảng 3.953 căn nhà ở xã hội
Trên cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, UBND tỉnh Hà Nam đã xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Tại phiên khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy chỉ rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực trong năm 2025 của tỉnh Hà Nam. Trong đó: tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 10,45%; GRDP bình quân đầu người đạt 122,6 triệu đồng, tăng 11,7%; thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 25.865 tỷ đồng, tăng 52,5%; vốn đầu tư toàn xã hội đạt 48.000 tỷ đồng, tăng 5,3%; Năng suất lao động đạt 237,9 triệu đồng/người, tăng 11,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,0%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 51,5%; phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 52/65 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu;…
Để thực hiện thành công các mục tiêu đó, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện. Cụ thể, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và nâng cao chất lượng đô thị; chú trọng phát triển, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp bảo đảm hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành khoảng 3.953 căn nhà ở xã hội; trong năm 2025, khởi công thêm ít nhất 5 dự án nhà ở xã hội xây dựng bằng nguồn Ngân sách tỉnh và tài chính công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, duy trì thực hiện hiệu quả 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư trên cơ sở kế thừa và có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Phấn đấu năm 2025, có 750 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trở lên. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư; tăng cường hợp tác du lịch với các tỉnh, các địa phương và các thị trường du lịch quốc tế, góp phần tăng lượng khách và doanh thu du lịch, tăng tỷ trọng đóng góp trong GRDP của tỉnh. Phấn đấu trong năm 2025, đón 5,1 triệu lượt khách du lịch; doanh thu du lịch ước đạt 5.900 tỷ đồng, tăng 78,8% so với năm 2024.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, nước sạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách về đất đai, địa chất, khoáng sản cho phù hợp với thực tế của địa phương. Giải quyết quyết liệt, hiệu quả vấn đề xử lý rác thải nhất là rác thải sinh hoạt ở nông thôn, chất thải chăn nuôi, môi trường khu, cụm công nghiệp, môi trường khu vực Tây Đáy; nâng cao chất lượng nước sinh hoạt và nước sạch nông thôn. Tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường; tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước; ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần tạo nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số; xây dựng và triển khai hiệu quả các Chương trình, Đề án xây dựng đô thị thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 1288/NQ-UBTVQH15, ngày 14.11.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025; kiện toàn tổ chức bộ máy; sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công... bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Thanh Sơn đã báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, các đại biểu HĐND tỉnh cũng nghe thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền năm 2024 và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh với kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh Khóa XIX; Báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đến thời điểm TXCT trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh Khóa XIX; nghe báo cáo của VKSND, TAND, và một số báo cáo quan trọng khác;...
Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Hà Nam Khóa XIX dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày, từ 4 - 6.12